Một góc nhìn khác về Nghiệp

Bàn về khía cạnh Tâm Linh chắc hẳn ai cũng biết về Nghiệp. Nghiệp chi phối và ảnh hưởng đến chúng ta trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chưa cần biết liệu Nghiệp có đúng/sai hay bản chất của nó thế nào. Nhưng chỉ với việc chúng ta tin về Nghiệp đã là một điều ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử ngoài xã hội. Nó âm thâm chi phối chúng ta trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Gần đây, có một người bạn hỏi Tôi. Biết về Nghiệp và tin vào Nghiệp rồi thì bạn ấy lại sợ không dám làm gì. Làm sao biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm, và thậm chí những việc tưởng chừng như là tất nhiên của xã hội nếu xét theo Nghiệp quả lại là chuyện cực kỳ không nên làm.

Trước khi bàn tiếp, cơ sở đầu tiên mà Tôi thiết nghĩ chúng ta cần để ý là: tất cả mọi lời dạy, lời nói và ngôn ngữ được viết ra đều nhằm mục đích là để lý trí con người chúng ta nhận thức qua não bộ hiểu được. Bản thân sự nhận thức bằng lý trí của não có sự giới hạn. Và vì vậy, những gì chúng ta hiểu với lý trí sẽ không phải là chân lý và sẽ có một sự giới hạn nhất định. Cũng như vậy, Nghiệp được dạy và hiểu bởi tâm trí của con người nên bản thân cái hiểu của chúng ta về Nghiệp sẽ có giới hạn nhất định. Cho dù chúng ta có học và luận giải Nghiệp tốt và cao siêu đến đâu cũng không phải là Chân Lý Hoàn Thiện nhất.

Những nhà Hiền Triết Giác Ngộ đã để lại cho chúng ta lời dạy: thế giới là thế giới của Tâm Thức, mọi thứ sẽ xuất hiện ở tầng Tâm Thức trước khi nó có thể biểu hiện ở thế giới vật lý. Điều này cũng ám chỉ rằng những gì xuất hiện ở thế giới vật lý bắt đầu từ niềm tin trong hệ thống Ý Thức của chúng ta. Khi có đủ một số lượng lớn người tin theo một điều gì đó, điều đó sẽ xuất hiện ở thế giới vật lý.

Chúng ta là những sinh vật vừa sáng tạo thế giới vật lý, vừa là nhân chứng và là sinh thể chịu ảnh hưởng bởi những gì chúng ta tin vào.

Trong một số nền văn hóa bản địa Mỹ như Maya, Hopi … họ không có khái niệm về Nghiệp quả. Vì vậy, nếu bạn giải thích về Nghiệp quả, người ta sẽ không hiểu. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể nói là vì họ không tiến bộ bằng chúng ta hay không có sự giác ngộ được. Thực tế có rất nhiều pháp sư bản địa đã giác ngộ về chân lý và vũ trụ ở cấp độ sâu sắt không thua kém gì những vị thầy ở Himalaya.

Nghiệp quả chúng ta hiểu một cách đơn thuần là nếu chúng ta làm điều ác sẽ nhận ác báo và làm điều thiện sẽ nhận thiện quả. Hệ thống niềm tin này là một kim chỉ nam để dẫn đường cho chúng ta sống và tạo ra những cộng đồng sống dựa vào Tình Yêu Thương và lòng trắc ẩn. Nó thực sự giúp chúng ta sống tốt hơn và tạo ra những điều tuyệt vời của cuộc sống.

Điều này không có gì sai, nhưng nó sẽ là vấn đề khi chúng ta trở nên bám chấp vào đó và biến nó thành những nỗi sợ và dùng nó để chi phối người khác.

Tôi cho rằng, điều quan trọng hơn hết là chúng ta cần vượt qua cái khái niệm Nghiệp quả để quay trở về với gốc rễ của vấn đề; đó là cách chúng ta hòa hợp trong một cộng đồng và sống bằng tình Yêu Thương. Khi chúng ta nhận ra bản thân mình là một phần của Tự Nhiên, hòa quyện với Tự Nhiên và thấy sự kết nối với mọi người, với vạn vật. Chúng ta nhận ra bản thân mỗi người chúng ta là một mắc xích đan xen lẫn nhau trong vòng tròn sự sống. Chúng ta sẽ tự nhiên trở nên quy hàng với cuộc sống và bắt đầu bỏ bớt phần bản ngã cái Tôi của mình. Lúc đó chúng ta sẽ cảm thấy trân quý những gì mình có, mình làm trong cuộc sống và thể hiện sự chân thật và sống bằng Tình Yêu Thương. Khi đó những gì chúng ta làm không phải dựa trên nỗi sợ của Nghiệp quả, mà dựa trên lòng trắc ẩn, sự chấp nhận và yêu thương. Như vậy thì không có nghiệp quả nào chi phối chúng ta nữa. Vì bản chất những gì chúng ta làm đã là sự hòa hợp với Vũ Trụ.

Về mặt lý thuyết có vẻ là như vậy, nhưng thực hành trong cuộc sống quả không dễ dàng chút nào. Chúng ta sống trong môi trường luôn có sự tương tác với mọi người và những yếu tố khác. Những yếu tố ngoại cảnh có thể làm chúng ta tổn thương, làm chúng ta phải tự bảo bọc và thu mình lại. Trong những lúc như thế, chúng ta sẽ cảm thấy khó khăn và những cảm xúc đau đớn, căm phẫn; làm sao mà chúng ta có thể lúc nào cũng cảm thấy Yêu thương được.

Cuộc sống là những rung động đi lên và đi xuống; chúng ta luôn bị thử thách trong cuộc sống của quy luật đó: âm và dương, 2 mặt luôn đan xen hòa quyện vào nhau để biểu hiện trong cuộc sống này. Bởi vậy nên thử thách trong cuộc sống là để chúng ta nhận ra cái vô thường đó và đi tìm con đường quay về hợp nhất với bản thể cao hơn bên trong chúng ta; hợp nhất với Đấng Sáng Tạo.

Chung quy lại, nghiệp quả không phải là điều gì đó ràng buộc để chi phối và ép buộc chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta không cần phải tốn thời gian, công sức luận bàn và phải ghi nhớ quá nhiều về luật của nghiệp quả. Nghiệp quả tự bản chất nó là sự vận hành 2 chiều của Vũ trụ; là lời nhắc để nhắc nhở chúng ta hãy quay về tìm kiếm sự chân thật bên trong con mình; để tìm kiếm và thực hành con đường quay về sự hợp nhất và cho phép mình Sống bằng Tình Yêu chân thật từ bên trong mình đến mọi người và vạn vật xunh quanh

Lắng nghe tiếng gọi của Tâm Hồn

Bạn cảm thấy rung động với những chia sẻ từ Heart Journey? Để lại email để nhận những chia sẻ cùng rung động trên hành trình Khám Phá Bản Thân của riêng bạn nhé!

Lắng nghe tiếng gọi của Tâm Hồn

Bạn cảm thấy rung động với những chia sẻ từ Heart Journey? Để lại email để nhận những chia sẻ trên hành trình Khám Phá Bản Thân nhé.