Sự phản kháng

Phản Kháng là một cách chúng ta hành động để tự bảo vệ mình. Nhưng đã đến lúc cần lột mặc nạ của sự phản kháng để dấn thân sâu hơn vào những bóng tối bên trong mình.

Phản kháng là một cơ chế bảo vệ bản thân khỏi những gì mà chúng ta cảm thấy quá sức chịu đựng; sự phản kháng là một cơ chế bảo vệ để bản thân cảm thấy được an toàn.

Khi chúng ta chưa đủ vững vàng, sự phản kháng ấy là cần thiết để bảo vệ cái tôi nhỏ bé và trái tim non nớt của mình. Nó giúp chúng ta khỏi những tổn thương không cần thiết để chúng ta được cảm thấy an toàn là chính mình.

Sự phản kháng là cần thiết trong cuộc sống. Có những hoàn cảnh mà người khác cố tình chạm vào chúng ta, họ cố tình moi móc điều gì đó mà chúng ta thể hiện, hay chúng ta nói và làm. Với điều này, chúng ta có thể lựa chọn sự phản kháng nhẹ nhàng bằng cách phớt lờ nó đi, chúng ta có thể lựa chọn không quan tâm đến sự xúc phạm hoặc sự can thiệp đó. Chúng ta có thể lựa chọn để mình cảm thấy được an toàn là chính mình; để được trọn vẹn với con người và Trái Tim mình.

Có những hoàn cảnh sự phúc phạm mãnh liệt hơn, chúng ta phản ứng lại bằng cảm xúc, lời nói và hành động. Sự phản kháng như thế này thường mang theo những cảm xúc không mấy dễ chịu bên trong mình.

Nhưng khi chúng ta trưởng thành, có lẽ đến lúc chúng ta học một bài học khác về sự phản kháng để chúng ta trở nên vững vàng hơn. Sự phản kháng trở thành một cơ hội để chúng ta nhận diện và bước đến để làm việc với chính mình ở một cấp độ sâu hơn.

Phản kháng là một tín hiệu, nó đang chạm vào một điều gì đó mà ta chưa biết bên trong ta. Nó có thể là một bóng tối, một tổn thương, một sự đè nén mà chúng ta cố tình che dấu hoặc một điều mà chúng ta chưa biết.

Chúng ta có thể tĩnh lặng và nhìn nhận xem, sự phản kháng mà chúng ta có cho một sự việc hoặc hoàn cảnh nào đó đang kích hoạt nỗi sợ hãi nào bên trong mình. Nó có thể là cảm giác chúng ta cảm thấy mình yếu kém, sợ mình mắc sai lầm … Khi chúng ta nhận diện được vấn đề bên trong mình, chúng ta trở nên không phản kháng nữa. Chúng ta sẽ cảm thấy một sự biết ơn mà hoàn cảnh hoặc con người đó mang tới. Nó làm ánh sáng bên trong ta trở nên sáng hơn, hoàn thiện hơn. Hoàn cảnh trở thành bài học để chúng ta trở nên vững vàng hơn.

Đối lập với sự phản kháng là sự đón nhận …

Có nhiều cấp độ của sự đón nhận: đón nhận bản thân và đón nhận người khác.

Ở cấp độ bản thân, sự đón nhận diễn ra một cách tự nhiên khi ta nhận thức đủ đầy về bản thân mình. Đó là khi chúng ta biết bên trong mình không vẹn toàn; ta biết bên trong ta có những cái chưa tốt, có những tổn thương, có những điều chưa hoàn thiện, có thể mắc sai lầm…

Khi ta nhận thức được điều này và chấp nhận bản thân mình với trọn vẹn toàn bộ những yếu điểm đó. Ta trở nên yêu thương trọn vẹn toàn bộ con người và sự khác biệt của mình. Ta yêu những cái xấu xí bên trong mình. Khi đó không ai còn có thể xúc phạm để những điều xấu xí của ta nữa. Ta chỉ mỉm cười và cảm ơn.

Cuộc sống có thể đôi khi quá gay gắt khi có xu hướng dồn ép chúng ta vào những điều mà tâm hồn ta cảm thấy khó đón nhận. Người thân, gia đình, môi trường, và mọi người ngoài xã hội có xu hướng áp đặt những tiêu chuẩn cố định vào tất cả mọi người: tiêu chuẩn về việc như thế nào là một người con gái, như thế nào là một người anh, một người em, một người chị, tiêu chuẩn về việc phải sống như thế nào trong xã hội v.v… Khi nó được áp đặt một cách gượng ép, và qua thời gian, chúng ta trở nên thu mình lại, chúng ta đè nén cái sự chân thật về bản thân, không thể hiện con người chân thật của mình nữa. Và lâu ngày, chúng ta quên mất cái bản chất tâm hồn thực sự của mình.

Khi chúng ta nhận thức đầy đủ về toàn bộ con người mình, chúng ta sẽ không còn phản kháng với những chỉ trích mà người khác áp đặt vào con người chúng ta nữa.

Chúng ta thay đổi góc nhìn và cảm thấy thật vui vẻ khi có ai đó nói về bản thân mình ở góc độ của họ. Chúng ta chỉ đơn giản mỉn cười và biết điều gì ta phải làm hoặc đơn giản là mặc kệ nó.

Ở cấp độ cao hơn, chúng ta sẽ đón nhận người khác, chúng ta sẽ đón nhận những khác biệt, sai lầm của người khác… từ những người xa lạ đến những người thân yêu bên cạnh chúng ta.

Thật khó để sống với một cách sống mà chúng ta chỉ mỉn cười với sai lầm của những người xunh quanh ta mà không phản kháng với họ.

Cuộc sống là một món quà …

Sự khác biệt là một món quà …

Những sai lầm là một món quà …

Tất cả sự khác biệt đó đều là những rung động ở những cấp độ khác nhau mà Vũ trụ biểu hiện. Biểu hiện của mỗi người chúng ta trong cuộc sống là một phần đóng góp cho cái tri kiến của Vũ trụ. Biểu hiện của mỗi người trong cuộc sống là một cấp độ rung động mà qua đó Vũ trụ vận hành, hòa quyện để kiến tạo các cấp độ sống cho các thế hệ tiếp theo.

Mỗi người chúng ta dường như có một vai trò trong cái bức tranh lớn đó của Tạo Hóa … Mà chúng ta chỉ có thể biết rằng, bất kỳ sự tồn tại nào cũng hữu ích ở một cấp độ nào đó. Bất kỳ sai lầm và yếu điểm nào cũng là một sự sắp xếp và biểu hiện vi diệu cho cái Sự Sống Vĩ Đại này. Là một điều cần được biểu hiện để mang đến một bài học cho ai đó hoặc cho chính họ. Nó cần thiết cho sự tiến hóa; nó cần thiết để tọa nên sự vẹn toàn của toàn bộ Vũ trụ.

Khi chúng ta thay đổi góc nhìn, chúng ta không nhìn thấy sai lầm hay yếu điểm của người khác là sai lầm nữa. Chúng ta thấy nó là một cách mà Sự Sống biểu hiện; chúng ta có thể thấy vẻ đẹp đằng sau cái sai lầm đó; chúng ta có thể cảm nhận điều gì đã làm nên cái biểu hiện này. Khi đó, chúng ta trở nên đón nhận và không phản kháng.

Hãy để sự phản kháng trở thành một bài học để chúng ta nhận ra làm việc với bên trong mình. Để nó giúp chúng ta trở nên Vĩ Đại và mở rộng Tình Yêu bên trong mình.

Tạ Phước Hải

Lắng nghe tiếng gọi của Tâm Hồn

Bạn cảm thấy rung động với những chia sẻ từ Heart Journey? Để lại email để nhận những chia sẻ cùng rung động trên hành trình Khám Phá Bản Thân của riêng bạn nhé!

Lắng nghe tiếng gọi của Tâm Hồn

Bạn cảm thấy rung động với những chia sẻ từ Heart Journey? Để lại email để nhận những chia sẻ trên hành trình Khám Phá Bản Thân nhé.