8 giai đoạn của hành trình Tự Nhận Thức & Khám phá Bản thân

Có thể nói hành trình Tâm Linh là một hành trình chúng ta Tự Nhận Thức & Khám phá Bản thân. Trong hành trình này, nếu chúng ta không đặc yếu tố Tự Nhận Thức Bản Thân là mục tiêu cuối cùng và cũng là mục tiêu duy nhất thì con đường của chúng ta sẽ dễ bị lạc lối, chạy theo những ảo tưởng, và có thể dễ bị các yếu tố không trong sáng/vô hình dẫn dắt mà chúng ta thậm chí không nhận biết được. Điều này có thể làm chúng ta trở nên ảo tưởng về bản thân mình; tăng trưởng Bản Ngã Tâm Linh và dễ tự cảm thấy và cho rằng mình trở thành một ai đó cao siêu/siêu việc hơn người khác. 

Trên thực tế, có thể nói nếu chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của việc Tự Nhận Thức Bản Thân; con đường Tâm Linh của chúng ta có thể trở nên không khác gì việc chúng ta chạy theo tìm kiếm những tri thức để thỏa mãn Tâm Trí của chúng ta … Chúng ta có thể trở thành những con thiêu thân chạy theo những yếu tố “siêu việt” của các khía cạnh  Tâm linh; lao vào những ảo tưởng trở thành một điều gì đó mà quên mất thực tại cuộc sống – tích hợp Tình Yêu vào trong cuộc sống. Và điều này làm chúng ta không thực sự đi sâu vào bất  cứ điều gì.

Chúng ta có thể trở nên dễ lạc lối trong những kiến thức/hiểu biết bên ngoài và trở nên hời hợt trong việc Nhận Thức về chính bản thân mình. Trong hành trình này, có thể chúng ta tìm thấy những kiến thức, tìm thấy những cách thức mới mẻ để Thức Tỉnh và nó khiến chúng  ta cảm thấy hấp dẫn, chúng ta tung hô những điều đó mà đánh mất sự nhận thức về bản thân mình.

Tự Nhận Thức Bản Thân là gì?

Có 2 khía cạnh của việc Tự Nhận Thức Bản Thân: một là theo Đời Sống Thế Tục. hai là Tâm Linh. 

Theo các lý thuyết khác nhau về tâm lý học và triết học phương Tây, Tự Nhận Thức Bản Thân là sự hoàn thiện những Tiềm Năng Cá nhân của chúng ta trong cuộc sống. Về cơ bản, điều này có nghĩa là khám phá và nhận thức được khả năng của chúng ta, những gì chúng ta có thể trở thành – trong mối quan Không Giới Hạn với Vũ Trụ (điều này có nghĩa là gần như khả năng của chúng ta là vô tận – chỉ bị giới hạn bởi niềm tin của chúng ta trong cuộc sống). Trong một góc nhìn khác, theo tâm linh phương Đông, Tự Nhận Thức Bản Thân là kiến thức và hiện thân của Bản Chất Thật Sự Tự Nhiên (của chúng ta), thứ vượt lên Bản Ngã. 

Chúng ta có thể thấy có một sự mâu thuẫn giữa hai cách tiếp cận của phương Đông và phương Tây. Tuy nhiên, không có định nghĩa nào là đúng hoặc sai, cả hai là hai góc nhìn khác nhau. Vì vậy, chúng ta có thể đứng ở một góc độ kết hợp cả hai để thấy rằng cả hai góc nhìn là sự tương hỗ, bổ sung lẫn nhau. Chúng ta hãy thử phân tích 2 khía cạnh này theo quan điểm của Shaman giáo.

Quan điểm 3 thế giới của Shaman giáo về Tự Nhận Thức Bản Thân

Cây 3 thê giới theo quan điểm shaman

Hành trình Tự Nhận Thức Bản Thân không phải là một chuỗi những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống mà chúng ta cảm thấy bừng tỉnh trong nhận thức của mình về bản thân và Thế Giới; mà đó là một quá trình theo thời gian. Có thể nói quá trình này xảy ra trong 3 địa hạt (theo quan điểm của shaman giáo):

Cõi Hạ Giới (The Lower World)

Cõi Trung Giới (The Middle World)

Cõi Thượng Giới (The Upper World)

Trong thuật ngữ của Shaman, Cõi Trung Giới là địa hạt nơi ta đang sống hằng ngày (bao gồm thế giới vô hình và hữu hình). Là địa hạt của sự tồn tại nơi Ta đang hiện hữu trong Thế giới, trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

Cõi Hạ Giới (The Lower World) là địa hạt bên dưới và hướng vào bên trong; là nơi ẩn dưới lớp vỏ của bề mặt. Đây là vương quốc của suy nghĩ, cảm xúc, bản thân, những giấc mơ, những vết thương vô thức, những yếu tố của tuổi thơ và các kiếp trước … Thế giới của các linh thú, tinh linh của cỏ cây, động vật được xem là tồn tại trong cõi Hạ Giới. Hạ Giới được xem là cấp độ cốt lõi – nơi chứa đựng tất cả mọi thứ về khía cạnh Tâm Hồn của chúng ta.

Cõi Thượng Giới là địa hạt của các yếu tố các vị thầy Tâm Linh, Hướng dẫn Tâm Linh – hướng lên trên và hướng ra ngoài. Đây là địa hạt của yếu tố vượt qua thể xác, tâm trí – nơi Linh hồn hòa quyện vào yếu tố phi vật chất vĩnh cửu, Nguồn – Nơi kết nối và hòa quyện vào trong mọi sự tồn tại.

Sự phân loại này là một cách để chúng ta nhận biết những khía cạnh khác nhau của cùng Bản Thể Vĩnh Cửu của chúng ta.

Ở Trung giới, chúng ta phát triển hiểu biết về khả năng và sự nhận thức về khía cạnh của Bản Ngã – Cơ thể Vật Lý. Trong tầng này, chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa Ta với các giác quan, với cơ thể vật lý. Trong cuộc sống, thông thường chúng ta bị chi phối sự nhận thức của mình với các Giác Quan và bị phụ thuộc vào những ham muốn được kích thích của các Giác quan mà chúng ta không nhận ra. Khi phát triển sự nhận thức này, chúng ta sẽ làm chủ những mong muốn/những kích thích từ các Giác Quan/từ Cơ thể Vật lý của mình cũng như phát triển những khả năng Siêu việc khác trong mối quan hệ của mình với Cơ Thể vật lý, ví dụ: tai trở nên thính hơn, nghe và nói trở nên rõ ràng hơn, trực giác tốt hơn …

Ở tầng Hạ Giới, chúng ta phát triển khả năng nhận thức và mở rộng sự hiểu biết về bản chất Tâm Hồn của mình. Hành động, lời nói, phản ứng và sự nhận thức của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta trải qua trong quá khứ, bởi những gì chúng ta đã được dạy và trải nghiệm. Có thể chúng ta đã học được những niềm tin sai lầm một cách vô thức và có những tổn thương đã ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức về thế giới. Ở khía cạnh của Hạ Giới, chúng ta mở rộng sự hiểu biết, kết nối ở những cấp độ sâu sắc hơn để nhận thức về bản thân mình.

Ở Thượng Giới, nhiệm vụ của chúng ta là kết nối và cho phép phần Linh hồn/Tinh thần được hiện thực hóa trong thế giới Vật Lý. Chúng ta trở thành những người đồng sáng tạo với Vũ trụ. Cuộc sống của chúng ta trở nên nhận biết và kết nối với những yếu tố Tinh Thần của Vũ trụ và cho phép yếu tố Tinh Thần/Tâm Thức của Vũ trụ được sáng tạo/trải nghiệm thông qua sự sống trong cơ thể vật lý này.

Ở đây, chúng ta có thể thấy rằng cả 3 yếu tố được đề cập là những khía cạnh khác nhau mà chúng ta cần Nhận Thức để trở nên Sống trọn vẹn trong sự kết nối đầy đủ với bản thể Thiêng Liêng của mình.

2 quan điểm về Tự Nhận Thức Bản Thân

Như đã đề cập ở trên, có 2 quan điểm về Tự Nhận Thức Bản Thân theo phương Tây và phương Đông.

Phương Tây có xu hướng tập trung vào việc làm sao để phát huy tiềm năng đầy đủ nhất của bản thân ở khía cạnh vật lý (Bản ngã); minh chứng điển hình mà chúng ta có  thể dễ dàng nhận ra là phương Tây có xu hướng tập trung nghiên cứu về các khía cạnh Sinh lý Cơ Thể, Tâm lý học … Quá trình này có thể xem là khía cạnh trong phạm vi nhận thức của Trung Giới và Hạ Giới. Trong một số trường phái tâm lý học phương Tây, chẳng hạn như trường pháp tâm lý Carl Jung, ông cho rằng chúng ta cần phát triển và khám phá để phát triển đầy đủ khả năng nhận thức về tâm hồn của mình.

Phương Đông có xu hướng thúc đẩy sự nhận thức về Bản Ngã – nghĩa là nhận biết sự hạn của chế của Bản Ngã để “thoát ra khỏi sự giả dối của cái Bản Ngã hạn hẹn” và từ đó đi tới việc nhận ra sự hiện hữu của Cái Siêu Việc Bên Trong, hoặc cái Bản Chất Thật Sự của chúng ta (mà chúng ta hay hiểu là Tâm). Đây là con đường tìm cách vượt qua cái Bản Ngã để hiểu về Linh hồn và giác ngộ về sự hòa hợp với cái Tuyệt Đối, sự Vĩnh Cữu. Đây là con người mà Phật Giáo gọi là Sự Giác Ngộ. Tuy nhiên, mọi người ngày nay thường có xu hướng “tung hô” những yếu tố Vĩnh Cữu Bên Ngoài (mà lẽ ra cần nhận biết cái Vĩnh Cửu Bên Trong) mà quên mất khía cạnh Nhận thức đầy đủ về Bản Ngã  và từ đó quên mất con đường chân chính thật sự.

Hầu hết các trường phái tư tưởng phương Đông và phương Tây đều bỏ qua, không nhận biết hoặc phủ nhận tầm quan trọng của việc phát triển và phối hợp cả 3 con đường. Tất cả chúng đều là những con đường thiết yếu để giúp ta có thể trải  nghiệm sự Tự Nhận Thức một cách đầy đủ về Bản Thân. Giống như một cái cây cần Rễ – Thân – Cành để cây có thể trở nên toàn vẹn.

8 giai đoạn của Sự Tự Nhận Thức Bản Thân

Hành trình Tự Nhận Thức Bản Thân không phải là một khoảnh khắc bạn chợt nhận ra mọi thứ trong cuộc sống và hiểu hoàn toàn về chính mình; mà đó là một quá trình sẽ được hé mở một cách từ từ theo thời gian. Theo từng thời điểm, bạn sẽ nhận diện và nhận ra những khía cạnh khác nhau của bản thân mình.

Dưới đây là 9 giai đoạn của sự Tự Nhận Thức Bản Thân trong hành trình Tâm Linh. Bạn cũng cần nên biết rằng đây không phải là một quy trình tuyến tính theo đường thẳng mà sự nhận thức của bạn cứ thế tiến lên; chúng ta thường trải qua một vòng xoáy của những chu kỳ; có những giai đoạn bạn cảm thấy có sự phát triển trong nhận thức của bản thân và cũng sẽ có những giai đoạn bạn cảm thấy mình dường như thụt lùi.

1. Tự Ý Thức

Hành trình này bắt đầu với việc bạn Tự Ý Thức về bản thân mình. Trong cuộc sống, những khoảnh khắc này thường sẽ diễn ra một cách rời rạc. Có những thời điểm bạn cảm thấy trạng thái tâm lý mình trở nên chán nản, tồi tệ và lúc đó bạn bắt đầu có Ý Thức về bản thân mình. Bạn bắt đầu có ý tưởng và nhận diện ra những thái cực khác nhau bên trong mình. Bạn Ý thức rằng hành động và suy nghĩ của bạn là nguyên nhân của những gì bạn đang phải chịu đựng. Ở giai đoạn này, bạn bắt đầu có ý thức về bản thân mình, ý thức về cách mà bạn tương tác với thế giới, ý thức rằng bạn chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Trong giai đoạn này, sẽ có những khoảnh khắc chúng ta tự mình nhận ra có những hạn chế bên trong nhận thức của mình – những hạn chế này xuất phát từ những niềm tin của bạn mà bạn học được trong quá khứ, bởi gia đình, thầy cô, bạn bè và xã hội. Đây là một giai đoạn không dễ dàng khi chúng ta bắt đầu Trung Thực hơn trong suy nghĩ, thói quen của mình. Và thông thường, có thể bạn sẽ không thích những gì mà bạn đang nhận ra.

Trong trải nghiệm cá nhân của mình, giai đoạn này mình bắt đầu nhận ra rằng mình không thực sự giỏi như mình nghĩ, mình cảm thấy những sai lầm trong cách mình làm việc, đối xử với những người xung quanh. Mình được giáo dục trong một gia đình luôn tôn vinh sự tài giỏi, và trong thời gian đi học, mình phải là người nằm trong những người giỏi nhất lớp. Mình có một niềm tin trong nhận thức rằng cuộc sống phải hành động bằng sự nỗ lực và hơn nhau bằng việc ai đúng, ai sai. Và cho đến thời điểm khi mình nhận ra rằng những suy nghĩ về bản thân, về lối sống và phong cách sống mà mình từng tin vào là hoàn toàn sai lầm.

Khi chúng ta bắt đầu Tự Ý Thức về bản thân, chúng ta nhận ra mình Đang-Làm-Gì, mình đã làm mọi thứ Như-Thế-Nào và bắt đầu đặt câu hỏi về bản thân tại sao mình lại làm như vậy, điều gì đã thúc đẩy mình hành động hay có những cảm xúc này?

2. Tự Thám hiểm & Khám phá

Sau giai đoạn Tự Ý Thức về bản thân mình, chúng ta được thúc đẩy bởi mong muốn khám phá để hiểu về bản thân nhiều hơn – đây là khởi đầu của việc tìm hiểu và tìm kiếm những điều mà ta chưa hiểu về bản thân mình.

Giai đoạn này chúng ta bắt đầu tò mò về bản thân mình và đặt câu hỏi “Tôi thật sự là ai?”; chúng ta cũng bắt đầu có sự nghi ngờ về bản thân mình “Mình không thể tin rằng mình đã từng làm vậy/từng tin những điều như thế”. Chúng ta muốn tìm hiểu thêm về “Sự Thật” của cuộc sống, những giá trị đích thực của cuộc sống.

Quá trình Tự Thám Hiểm về bản thân diễn ra trong địa hạt của Trung Giới (địa hạt của cuộc sống thường ngày), và mục đích của nó là chúng ta bắt đầu khám phá về cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta cảm nhận và hành xử với mọi thứ xung quanh. Để có câu trả lời cho những điều này, chúng ta bắt đầu tìm kiếm thông tin qua những cuốn sách, tham gia vào các workshop, các hội nhóm và diễn đàn; chúng ta bắt đầu tìm hiểu về các cách thực hành tâm linh/tâm lý khác nhau.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất trong giai đoạn này là bạn bắt đầu thực hành nhiều kiểu thực hành Tâm Linh khác nhau: Yoga, Thiền, Yêu Thương Bản Thân, Cảm Ơn Cuộc Sống … những điều này nhằm mục đích để khám phá bản chất gốc rễ và cốt lõi bên trong chúng ta. 

Bạn bắt đầu đặt câu hỏi TẠI SAO cho những hành xử của bạn trong cuộc sống. Khi bắt đầu đặt câu hỏi TẠI SAO, nó sẽ giúp bạn nhận diện lý do cho những niềm tin/cách mà bạn đang hành động trong cuộc sống. Điều này sẽ giúp bạn bắt đầu nhận ra gốc rễ của những điều sai lầm mà bạn đang tin vào trong cuộc sống. 

3. Hiểu Biết về bản thân

Hiểu biết về bản thân là kết tinh của 3 giai đoạn trước; bạn bắt đầu có sự hiểu biết sâu sắc về bản thân mình. Bạn hiểu đâu là bản ngã đang chi phối cách bạn hành động trong cuộc sống của mình.

Những người đạt đến giai đoạn này thường có sự hiểu biết thấu đáo về nguồn gốc và lý do cho những suy nghĩ, cảm nhận và hành xử của họ trong cuộc sống. Họ không chỉ khám phá và hiểu về cái Tôi có Ý Thức của họ, mà họ còn khám phá phần Vô Thức của chính mình để có thể dám đối mặt với những phần tối của thân. Họ hiểu phần Vô Thức của họ đang được định hình bởi những niềm tin hạn chế và những tổn thương trong quá khứ đang bị chôn vùi bên trong tiềm thức của họ.

Tự hiểu biết về bản thân là một con đường diễn ra ở tầng Hạ Giới; ở đây, chúng ta đi vào bên trong để chạm tới và giúp chúng ta nhận biết những bản chất tự nhiên bên trong tâm hồn của chúng ta – điều mà trước giờ chúng ta chưa khám phá.

4. Yêu thương bản thân

Khi chúng ta nhận ra cả những bóng tối và ánh sáng bên trong mình; nhận ra toàn bộ những mô thức và điều gì đang ảnh hưởng đến các chúng ta hành động nhận thức trong cuộc sống. Bạn sẽ bước tiếp đến giai đoạn tiếp theo là Yêu Thương Bản Thân – Ở giai đoạn này, bạn tràn đầy lòng trắc ẩn cho chính mình và cho tất cả những gì mà bạn đã từng trải qua. 

Đây cũng là một con đường ở tầng Hạ Giới, Yêu Thương Bản Thân là khi chúng ta chấp nhận và đón nhận mọi thứ bên trong mình; Ở đây chúng ta chạm vào bản chất cơ bản của Trái Tim và Tâm Hồn của chính mình; Chúng ta bắt đầu đón nhận tất cả mọi sự khác biệt của bản thân và trọn vẹn đặt chính bản thân mình lên trên hết. Có thể có một chút ích kỹ khi chúng ta yêu thương hoàn toàn bản thân mình và đón nhận toàn bộ sự khác biệt của bản thân mà không cần quan tâm đến sự phán xét của xã hội về những điều đó nhưng điều này là cần thiết cho sự phát triển của bạn.

Khi chúng ta càng yêu thương chính mình; chúng ta lại càng được thúc đẩy để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân. Học cách yêu thương và đón nhận bản thân mình cũng đồng nghĩa với việc chúng ta ngừng trừng phạt bản thân, chúng ta bắt đầu nuôi dưỡng bản thân, trải nghiệm lòng tự trọng, tự tha thứ cho tất cả những lỗi lầm và những phần bóng tối sâu thẳm bên trong, từ đó nuôi dưỡng sự tự tin và tình yêu bên trong bạn.

Thực tế, chúng ta chỉ có thể thực sự yêu thương và đón nhận bản thân mình nhờ sự hiểu biết về TẠI SAO của giai đoạn trước đó. Giai đoạn trước đó giúp bạn nhận ra lý do cho những cảm xúc/ứng xử của bạn. Và từ đó, nó giúp bạn đón nhận, chấp nhận và mở lòng cho giai đoạn này.

Khi bạn yêu thương trọn vẹn bản thân mình; bạn cũng sẽ bắt đầu mở rộng tình yêu thương bên trong mình dành cho những điều khác biệt bên ngoài. Bạn sẽ bắt đầu mở lòng nhiều hơn và dễ dàng trở nên chấp nhận, đón nhận sự khác biệt của người khác. Bạn sẽ bắt đầu mở rộng lòng trắc ẩn và cảm thấy hiểu được tại sao người khác lại có những suy nghĩ/hành động “tiêu cực” hoặc khác với bạn. 

5. Tự chuyển hóa

Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu rũ bỏ những thói quen giới hạn, những nhận thức và niềm tin cũ (ví dụ thường xuyên suy nghĩ tích cực hơn, không còn thích xem những bộ phim drama, thích ăn nhiều rau củ và ăn uống thanh đạm hơn …). Những niềm tin/thái độ/thói quen từng được tạo ra bởi cái Tôi sai lầm cũ sẽ được chuyển hóa thành phiên bản chân thực tích cực hơn của bản thân bạn.

Khi trải nghiệm và thực hành sự chuyển hóa, chúng ta bước vào hành trình của cái Chết và Tái Sinh – đây là quá trình bạn đang lột xác và bước vào cuộc sống với những niềm tin mới – sự tái sinh diễn ra trong kiếp sống này của bạn. Những điều cũ kỹ sẽ được thay đổi bằng hệ thống suy nghĩ/niềm tin mới. Các mối quan hệ của bạn, công việc và môi trường sống có thể thay đổi. Vũ trụ chào đón bạn với một cuộc sống mới với những hệ thống niềm tin và môi trường mới. Ban đầu, quá trình này có thể không dễ dàng, bạn sẽ phải đối mặt với sự thay đổi và cảm thấy không ổn định, cảm thấy không chắc chắn về tương lai và không biết cuộc sống sau này của bạn sẽ đi về đâu … nhưng cuối cùng, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Bất kỳ sự thay đổi nào mà chúng ta trải qua đều là Sự Giải Phóng những điều cũ kỹ để đón nhận những điều mới mẻ tốt đẹp hơn trong cuộc sống. 

Bạn sẽ bắt đầu sống từ Tâm hồn chân thật của bạn thay vì từ Bản Ngã cá nhân của bạn. Bạn sẽ cảm thấy được mở rộng hơn, tự do hơn và cuộc sống nhiều sắt màu, ý nghĩa hơn.

6. Tự Làm Chủ

Giai đoạn này cái Tôi Bản Ngã của bạn đã được chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, một cái Tôi Bản Ngã ổn định và trưởng thành hơn. Ở giai đoạn này, bạn trở thành một con người hoàn chỉnh – được kết nối và liên kết giữa cái Tôi cá nhân và Linh Hồn/Tâm hồn của mình.

Bạn nhận biết và làm chủ cái Tôi Bản Ngã sai lầm của mình – nhưng không phải với một sự phán xét, chuyên chế hay độc đoán với bản thân. Thay vào đó, bạn làm chủ cái Tôi của mình thông qua sự yêu thương,hiểu biết và đón nhận. Cái Tôi Bản Ngã của bạn đã được chuyển hóa ở một cấp độ tích cực hơn.

Nếu trong những giai đoạn trước, sẽ có những khoảng thời gian bạn có thể cảm thấy bị đánh mất mình với những thói quen/niềm tin của cái Tôi Bản Ngã cũ; thì trong giai đoạn này, bạn không còn làm nô lệ cho Bản Ngã của mình nữa. Bạn sống với Trái Tim chân thành và từ Tôn hồn của bạn; Bản Ngã trở thành người phụ tác, công cụ phục vụ cho linh hồn và cho sự sống, cho những khao khát trải nghiệm từ Linh hồn của bạn.

7. Sự Siêu Việt

Sự Siêu Việt là giai đoạn mà chúng ta bước vào Thế giới Linh Hồn (Thượng Giới). 

Khi bước đến giai đoạn này, chúng ta đang tìm cách để vượt trên Bản Ngã giới hạn của mình để kết nối với một cấp độ sâu sắc hơn với linh hồn mình; hòa làm một với Nguồn, với Tính Thiêng Liêng của Vũ Trụ. 

Mong muốn chạm đến Sự Siêu Việt có thể xuất hiện một cách tự nhiên trên tiến trình phát triển Tâm Linh theo thời gian khi bạn đã vượt qua giai đoạn Làm chủ cái Tôi Bản Ngã của mình. Bạn bắt đầu có mong muốn bước sâu hơn trên con đường Tâm Linh. Điều này cũng có thể được thúc đẩy khi bạn có những trải nghiệm Huyền Bí (ví dụ trải nghiệm cận tử, ra khỏi cơ thể, nhận được những chỉ dẫn bất ngờ từ tiếng nói bên trong …);  hoặc đến từ sự thôi thúc nội tại sâu sắc, một sự thôi thúc để được trải nghiệm đỉnh cao tối thượng của Tự Do.

Trong giai đoạn này, bạn bắt đầu thực hành có kỹ luật và nghiêm túc hơn những phương pháp thực hành Tâm Linh mà bạn đã biết trước đó, hoặc tìm hiểu những phương pháp thực hành Tâm Linh mới để giúp bạn kết nối ở cấp độ sâu sắt hơn với Linh Hồn, với Nguồn Thiêng liêng. 

Trong giai đoạn này, bạn sẽ có thể cảm thấy thôi thúc để nghiên cứu những triết lý sâu sắ hơn về Đấng Sáng Tạo, về Thượng Đế và bản chất, cội nguồn của Vũ Trụ.

8. Sự Thấu Tỏ

Cuối cùng, chúng ta đã đến với Sự Thấu Tỏ. Có thể nói để đến được với điểm này, chúng ta đã trải qua một thời gian tìm kiếm, thực hành và học hỏi vất vả; và cuối cùng, bạn sẽ nhận ra rằng Sự Thấu Tỏ và hiểu đúng về mình chính là một món quà tuyệt vời từ Cuộc Sống.

Sự Thấu Tỏ xảy ra khi chúng ta dừng việc cố gắng đồng hóa chính mình với cái Bản Ngã giới hạn hay quá bám chấp vào khía cạnh linh hồn – thay vào đó, bạn nhận ra rằng Bản Thân chúng ta là một hệ thống hoàn hảo, thống nhất với Sự Thiêng Liêng cao cả nhất – Đó là việc bạn nhận ra và hòa nhập cả 2 khía cạnh Bản Ngã và Linh Hồn vào làm một, đó là Bản Thể Thiêng Liêng của bạn, nơi chứa đựng cả 2 khía  cạnh này. 

Đi qua tất cả những nhận thức về “Tôi, “Của Tôi” hay “Tôi là” – tất cả đều là những ảo tưởng được tạo ra bởi chính bạn. Bỏ qua tất cả chúng, bạn sẽ nhận ra rằng bạn là hiện thân của những gì được gọi là Sự Hiểu Biết của Đấng Sáng Tạo; là hiện thân của Ý Thức Hợp Nhất (Christ Consciousness); là hiện thân của Đạo; là hiện thân của Cái Không Nhị Nguyên hay Sự Hợp Nhất. Tất cả mọi khía cạnh của Bản Thể Thiêng Liêng của chúng ta là dòng chảy năng lượng của Vũ Trụ mà ở đó, Vũ Trụ thể hiện thông tin/biểu hiện chính nó qua Bạn. 

Khi chúng ta trải nghiệm Sự Thấu Tỏ, chúng ta nhận ra sự vô định và vô thường của Bản Ngã, bản chấp hão huyền của suy nghĩ và ảo tưởng của mọi hiện tượng; từ đó, bạn nhận ra và bước vào một không gian rộng lớn phi thường của sự hiện diện vĩnh cửu tồn tại ở khắp mọi nơi mà không một từ ngữ nào có thể diễn tả được.

Trong giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra và chấp nhận tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống. Bạn không còn từ chối đau khổ hay chạy trốn bóng tối. Bạn biết rằng mọi thứ là những khía cạnh của Tính Nhất Thể, Vẹn Toàn của Vũ Trụ. Những gì  còn lại là sự rạng rỡ thuần khiết của Sự Tồn Tại, một trải nghiệm về Tình Yêu Bất Tận loan tỏa  cho mọi Sự Tồn Tại. Bạn đón nhận và hoàn quyện mình vào dòng chảy của sự sống.

Hy vọng với những phân tích mang tính chất gợi mở và ngắn gọn như vậy giúp bạn có một hiểu biết sâu sắc hơn về hành trình Tự Nhận Thức Bản Thân trên con đường Tâm Linh. Trên hành trình bạn đi, sẽ có những lúc tiến lên và những lúc lùi lại; đó là một quá trình dịch chuyển theo hình xoắn ốc. Mỗi bước chúng ta lùi lại sẽ là một bàn đạp để thúc đẩy một sự tiến lên mạnh mẽ hơn.

Dịch và biên tập: Tạ Phước Hải

Lắng nghe tiếng gọi của Tâm Hồn

Bạn cảm thấy rung động với những chia sẻ từ Heart Journey? Để lại email để nhận những chia sẻ cùng rung động trên hành trình Khám Phá Bản Thân của riêng bạn nhé!

Lắng nghe tiếng gọi của Tâm Hồn

Bạn cảm thấy rung động với những chia sẻ từ Heart Journey? Để lại email để nhận những chia sẻ trên hành trình Khám Phá Bản Thân nhé.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *